Chi Hội Phụ Nữ Âu Cơ Paris Tổ Chức Lễ Tưởng Niệm Hai Bà Trưng
Paris, ngày 12/3/2018 – Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ, Chi hội Phụ Nữ Âu Cơ (CHPNAC) Paris đã tổ chức Lễ Tưởng Niệm Hai Bà Trưng vào lúc 1300 giờ Thứ Bảy, ngày 10 tháng 3 năm 2018, tại nhà thờ Saint Hippolyte, 27 Avenue de Choisy, 75013, Paris, Pháp quốc.
M ùa đông năm nay thời tiết khá là xấu, hết mưa gió lụt lội tràn bờ sông Seine đến
những cơn bảo tuyết từ bắc cực phủ khắp Âu châu, trong đó có Paris, rồi đến những cơn mưa kế tiếp rủ nhau gây khó khăn đi lại, khiến mọi người không còn niềm hứng thú bước ra khỏi nhà. Tuy trong hoàn cảnh như thế, nhưng buổi Tưởng Niệm Hai Bà Trưng vẫn được đồng hương xa gần tiếp ứng, mỗi người mỗi cách tạo cho buổi sinh hoạt tràn đầy tình thân ái với hơn 150 đồng hương tham dự.
Buổi Lễ được khai mạc lúc 14 giờ 15 phút. Sau phần nghi thức chào cờ mặc niệm, MC Âu Cơ Hồng Hà giới thiệu chương trình và lý do Chi hội PNAC Paris tổ chức buổi lễ này.
Tiếp theo, chị MC giới thiệu bà Phạm Thiên Thanh, Tổng Bí Thư Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, nguyên Chủ tịch Tổng Hội Phụ Nữ Âu Cơ nhiều nhiệm kì, hiện là cố vấn cho Tổng Hội và mời bà lên phát biểu. Trong phần phát biểu, bà Thiên Thanh cho biết Tổng Hội PNAC đã được thành lập vào tháng 9/2010, có nhiều chi hội trên nhiều tiểu bang Hoa Kỳ cũng như tại Canada, Pháp, và Úc, với tôn chỉ bảo tồn văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt; yểm trợ Phong Trào Dân Chủ tại quốc nội và hải ngoại; hỗ trợ các anh thư nước Việt can đảm đứng lên đòi hỏi dân chủ, nhân quyền; và cứu giúp những phụ nữ bất hạnh bị ngược đãi do các tệ nạn buôn người, làm gái mãi dâm hay làm nhân công nước ngoài. Bà cho biết một trong những sinh hoạt nổi bật của Tổng hội là giải Âu Cơ “Phụ Nữ Đảm Đang” được trao 2 năm một lần để vinh danh các phụ nữ Việt trong nước đã hy sinh hỗ trợ cho cha, chồng con hay chính bản thân họ dấn thân đấu tranh dành chủ quyền đất nước, và đấu tranh cho Dân Chủ Nhân quyền. Giải đã được trao cho bà Dương Thị Tân (2012), bà Tạ Phong Tần (2014), và bà Bùi Thị Minh Hằng (2016). Bà cũng cho biết với tôn chỉ yểm trợ các phụ nữ kiên cường đang trực diện đấu tranh trong nước, Tổng hội PNAC đã vừa tổ chức ra mắt cuốn hồi ký tù song ngữ Việt- Anh Những Mảnh Đời Sau Song Sắt vừa xuất bản của cựu nữ tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên tại 3 thành phố ở Hoa Kỳ là San Jose, Bắc Cali; Denver (tiểu bang Colorado,) và Houston (tiểu bang Texas) và đã mời đồng hương mua ủng hộ. Tất cả số tiền bán được, sau khi trừ chi phí in ấn, tác giả sẽ dùng để giúp đỡ những tù nhân lương tâm như Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu, đang noi gương Trưng Triệu và đang góp phần quan trọng trong công cuộc loại bỏ chế độ độc tài CS, dưới nhiều hình thức như biểu tình, tọa kháng, viết blogs lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền và đàn áp các nhà đối lập trong nước, , v.v… Bà tóm lược qua cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng do chính sách đồng hóa gắt gao và bóc lột hà khắc của nhà Đông Hán đối với người Việt lúc bấy giờ. Bà đã thay mặt Tổng Hội PNAC cám tạ đồng hương Paris đã dành cho chi hội ÂC Paris sự thương mến và yểm trợ, đặc biệt là Văn Phòng Liên Đới Xã Hội, mạnh thường quân và thân hữu của Chi Hội PNAC Paris. Bà đã kết thúc với câu “Muốn có công lý thì phải đấu tranh, đấu tranh và đấu tranh…”
Tiếp tục chương trình, chị Âu Cơ Đào Ngân đã lược qua sử Hai Bà Trưng, các chị ÂC Thanh Hoa, Đào Ngân, Linh Chi và chị Hồng Hà đã trịnh trọng dâng hương trước bàn thờ Hai Bà.
Hiện diện trong buổi lễ gồm có ông Lê Minh Triết, Phó chủ tịch nội vụ và ông Nguyễn Hữu Xương, Tổng thư ký Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do tại Pháp, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trung tâm trưởng Trung tâm điều hợp Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại Âu châu, ông Nguyễn Tường Long, Trưởng ban Bảo Vệ Chính Nghĩa Quốc gia, các nhân sĩ Paris như ông Nguyễn Đức Tăng, bà Nguyễn Quý Toàn, ông Nguyễn Bá Linh, ông Đoàn Trần Thiều (Trưởng Ca đoàn FAVIC – Người Ngoại Quốc Hát Tiếng Việt), ông Lê Thanh Xuân (đảng Thăng Tiến), ông Phan Lâm Khanh đại diện Việt Nam Quốc Dân Đảng , bà bác sĩ Nguyễn Đan Quế và một số nhân sĩ khác…
Cống hiến cho chương trình là phần văn nghệ rất phong phú gồm có Nhóm Phượng Ca trình diễn Dân Ca Quốc Nhạc, Nhóm Thùy Dương Áo Tím, nhóm Tây Sơn Võ Đạo trình diễn màn Múa Cờ và Kiếm diệt ngoại xâm phương bắc rất là hay, Nhóm hợp ca Văn Phòng Liên Đới Xã Hội với ca sĩ Tuyết Dung, Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Hạnh, các ca sĩ Tố Lan, Usha, Băng Nhân, Minh Nguyệt, Nguyệt Lan, Mỹ Ly, Vũ Đệ… cùng với tiết mục hòa nhạc của anh Võ Công Minh Alexandre, Thế Hùng, anh Nguyễn Tấn Phát.
Ngoài phần vân nghệ còn có phần triển lãm tranh do các hoạ sĩ đóng góp như Thanh Trúc, Mỹ Linh, giáo sư hội họa Vũ Công Minh cùng các học viên lớp hội họa cuối tuần của Văn Phòng Liên Đới Xã Hội như chị Hoa Lý, chị Liễu Caroline, chị Minh Phượng, và đặc biệt chị họa sĩ Mỹ Hạnh từ Bruxelles đã mang sang Paris 8 bức tranh biếu cho Ban Tổ Chức, bên cạnh đó ông Tường Long, dù đã trên 80 tuổi, cũng cố gắng chống gậy đến tham dự và đã tặng cho Ban Tổ Chức bức tranh Hai Bà Trưng, cuối cùng là bức tranh làm phông sân khấu của chị Nguyễn Lê Xuân Phúc ….góp phần làm cho khung cảnh buổi lễ thêm màu sắc.

Về mặt truyền thông có ông Nguyễn Văn Đông, chị ký giả đặc phái viên Tường An (chị Ca Dao) của đài SBTN và RFA. ông ký giả nguyệt san Bạn Đường.
Sau đó, đồng hương được mời đi thưởng lãm tranh họa và thưởng thức các tiết mục văn nghệ rất phong phú, và một tiết mục dạy chế biến mỹ phẩm dùng chất liệu trong nhà của chị Thanh Lý đã kết thúc buổi lễ bế mạc đúng 1730 giờ Paris mà đồng hương vẫn luyến tiếc chưa muốn về.
Thúy Ngọc tường trình từ Paris, Pháp.
Posted on March 14, 2018, in _. Bookmark the permalink. Leave a comment.
Leave a comment
Comments 0